Phần 9: Săn bắn, đánh bắt và tìm kiếm lương thực nơi hoang dã

Sử dụng các loại công cụ săn bắn khác

Thực ra để sử dụng những loại công cụ như cung săn, phi tiêu, lao, boomerang, rabbit stick… thì bạn cần phải tập luyện và có chút năng khiếu sử dụng những loại vũ khí kiểu này. Trên youtube có một seri clip “How to hunt” củaSteve Doran có hướng dẫn sử dụng những công cụ kiểu này cho việc săn bắn. Từ phi tiêu thổi, cung, rabbit stick, bola, throw spear… đều được anh hướng dẫn và mô phỏng lại rất cẩn thận, bạn nào có nhu cầu tìm hiểu có thể search những video của anh để biết thêm chi tiết. Ở đây tôi xin phép giới thiệu qua một số loại vũ khí, công cụ săn bắn thông dụng và cách tạo ra chúng, sử dụng chúng thế nào cho hiệu quả thì đành phải tùy thuộc vào khả năng của bạn vậy. Hầu hết những thứ vũ khí tôi dưới thiệu ở dưới đây đều triệt hạ con thú ở một khoảng cách nhất định và không có tác dụng cận chiến.

1. Cung tên

 


Đây là một thứ vũ khí phát xạ rất nổi tiếng. Nó không chỉ được dùng trong săn bắn mà còn được sử dụng như một thứ vũ khí đánh trận. Tính hiệu quả của nó thì ai cũng biết rồi, tuy vậy không phải ai cũng có thể cầm lên,kéo cần và ngắm bắn bách phát bách trúng dễ dàng như trên phim ảnh được. Người Mông Cổ với sự trợ lực của ngựa có thể bắn tên xa hơn 500 m, ta chỉ cần luyện tập bắn trúng những mục tiêu lớn trong vòng 20-30m đã là một thành công rồi.
 


Cấu tạo cánh cung: Cánh cung thường được làm bằng gỗ dâu, gỗ thông đỏ, ở Việt Nam thì hay làm bằng cây luồng pà ná hay gỗ hồng bì… Nói chung là những loại gỗ đủ rắn chắc và dẻo dai khác cũng có thể thay thế được. Nên chọn những cây gỗ khô vừa chết chưa được lâu chứ không chọn gỗ tươi.
Cách thức tạo ra một cây cung hoàn chỉnh tôi đã nói khá chi tiết ở kỳ 4: Trôi dạt vào hoang đảo.

Có một điều bạn nên lưu ý là sát thương do một mũi tên gây ra là không đủ để triệt hạ ngay lập tức những con thú lớn. Vì vậy nếu muốn săn các loài thú lớn như hươu nai, lợn rừng, dê, linh dương… bạn nên sử dụng những loại độc dược có thể tìm được trong tự nhiên để tẩm lên đầu những mũi tên. Điều chế chúng như thế nào tôi sẽ nói ở phần dưới, những loại độc này có thể giết chết con thú sau vài phút đến vài chục phút tuy nhiên ta có thể ăn thịt chúng thoải mái mà không có vấn đề gì.

Khi bắn những mũi tên tẩm độc này nếu có thể thì hãy bắn vào khu vực gần tim con thú thì chất độc sẽ phát tán nhanh hơn.

2. Lao


Tôi cũng đã nói khá chi tiết về cách làm loại vũ khí này ở phần 4. Nếu không có kim loại để làm mũi lao thì sử dụng loại dao đá hoặc dao xương gắn vào đầu cây gậy ta cũng có một chiếc lao khá tốt. Hay đơn giản hơn chỉ cần vót nhọn đầu một cây gỗ đủ cứng thì cũng có chút tác dụng khi đối phó với những loài thú nhỏ.

3. Bola


Người Eskimo là người đã phát minh ra thứ vũ khí đơn giản và độc đáo này. Thực sự đây được coi là công cụ săn bắn hơn là một loại vũ khí. Sử dụng nó để bắt sống chim đang bay, các loài thú nhỏ và cả lớn khi đang chạy.


 Tư thế ném bola

Cấu tạo của nó rất đơn giản. Chỉ là 3 sợi dây buộc đá được nối lại với nhau tại cùng một điểm. Người ta sẽ quay, lấy đà để ném như trong hình. Khi ném trúng chân các loài thú đang chạy, lực quá tính sẽ khiến các hòn đá quấn chặt lấy chân chúng và làm chúng vấp ngã, rất khó để chúng có thể giãy ra được. Để đạt hiệu quả cao nhất chiều dài của các sợi dây vào khoảng 60 cm.

4. Bomerang và ống thổi phi tiêu



 
Đây cũng là 2 loại vũ khí tôi đã giới thiệu ở phần 4. Bạn có thể xem lại phần 4: Trôi dạt vào hoang đảo để biết thêm chi tiết.

Riêng với loại ống thổi phi tiêu thì đó là loại vũ khí người quen của tôi Ben rất yêu thích vì nó dễ sử dụng, hành động kín đáo và tính hiệu quả rất cao. Những mũi phi tiêu vót bằng gỗ, tre.nếu có thể thì làm bằng kim loại là tốt nhất. Tuy nhiên vì nó không có tính sát thương nên chắc chắn khi sử dụng loại vũ khí này bạn phải có chút kiến thức về độc dược để tẩm vào đầu mũi tiêu. Xin hãy chú ý phần dưới đây.


Phi tiêu không gây sát thương lớn nhưng tính xuyên phá và tốc độ khá chớp nhoáng

Sử dụng độc dược trong tự nhiên




Trong tự nhiên có rất rất nhiều loại cây độc, quả độc, nấm độc, một số loài bò sát, lưỡng cư, cá… cũng mang những chất độc chết người trong thân nó. Tuy nhiên không phải ta cứ lôi tất cả chúng ra là có thể sử dụng được bởi ta không rõ độc tính của chúng ở dạng nào, tồn tại bao lâu và liệu ăn vào có tử vong hay không. Những loại độc tính chưa qua điều chế tác dụng cũng không đủ mạnh để có thể làm chết con thú ngay và ta phải theo dấu chúng rất vất vả đôi khi mất trắng.

Hơn nữa độc dược cũng không chỉ để tẩm vào vũ khí mà nó còn có nhiều tác dụng khác. Bạn có thể làm “bả”, “thuốc” hay thậm chí là đầu độc cả một khúc sông suối để bắt cá nếu cần thiết. Chỉ bằng một số loại lá, hạt đơn giản. Tất nhiên những con cá này thịt vẫn mềm mại và ngon lành, ăn vào cũng không có ảnh hưởng xấu đến cơ thể.

Điều đầu tiên bạn phải hiểu cơ chế hoạt động của các loại độc dược trong tự nhiên, có loại ăn được nhưng vào máu thì gây tử vong lập tức, có loại ngược lại. Chúng thường hoạt động theo những cách sau:
- Ăn (hít) vào và bị ngộ độc, chất độc thấm qua dịch dạ dày và ảnh hưởng trực tiếp đến các cơ quan nội tạng.
- Thấm vào máu và gây ảnh hưởng đến tim mạch, làm trụy tim, đông máu hay phân giải hồng cầu.
- Ăn hoặc ngửi hoặc thấm vào máu nhưng tác động trực tiếp đến hệ thần kinh gây tê liệt thần kinh, suy hô hấp, ngạt thở, tê liệt cơ thể.
- Tiếp xúc: Chạm vào là bị ngộ độc kiểu dị ứng, ngứa ngáy hoặc ngạt thở. Loại này thì nằm ngoài giới hạn của bài viết nên tôi sẽ không nhắc đến nữa.

Tất cả những loại độc tố trên dù hoạt động theo cách nào cũng đều có thể gây tử vong. Trong đó loại độc tố thần kinh là nguy hiểm hơn cả nên nếu muốn sử dụng chúng ta phải hết sức cẩn trọng. Khi tiếp xúc không để tay chân xước xát hay để quá gần mũi, mắt, miệng. Ở đây tôi cũng chỉ giới thiệu đến một số loại độc dược quen thuộc đã được sử dụng nhiều, tính hiệu quả cao nhưng cũng không quá nguy hiểm với con người. Tôi sẽ nói đến các loại cây cỏ, động vật nguy hiểm mang độc tính cao vào một kỳ khác với tên gọi “ Hiểm họa tự nhiên” nếu các bạn muốn tìm hiểu thêm xin hãy đón đọc.



Để tẩm độc vào các loại vũ khí như mũi tên, phi tiêu, lao… người ta thường sử dụng loại chất độc máu hoặc chất độc thần kinh và nếu muốn hiệu quả tốt hơn thì phải phối hợp cả 2 loại độc dược này thành những “bài thuốc” vốn đã rất bí truyền. Dính phải chất độc thì chắc chắn là gây tử vong rồi nhưng những loại chất độc tự nhiên không đủ mạnh để giết những con thú lớn ngay lập tức. Chúng có thể sống một vài giờ thậm chí một vài ngày sau đó. Vì thế phối hợp độc dược khi muốn chủ động săn những loài thú lớn là rất cần thiết.

Chất độc của người Châu Ro hoặc một loại chất độc khác của người Bana khiến những con thú lớn như gấu, hổ, trâu rừng chỉ chạy không quá 100 bước đã gục xuống chết ngay lập tức. Chất độc bí truyền curare của thổ dân Amazon thậm chí làm cho những con vật lớn chỉ kịp giãy giụa vài cái đã tử vong.

1. Bài thuốc điều chế chất độc của người Châu Ro 

(Nguồn từ tài liệu của bác Phạm Văn Nhân và mình có chỉnh lý lại một chút theo hiểu biết của mình để rõ ràng hơn)

Chuẩn bị:
- Lá cây Sừng Dê: thuộc họ trúc đào (Apocynaccae) còn gọi là cây cồng cộng, cây sừng bò. Là loài cây mọc hoang rất phổ biến ở Việt Nam, khu vực nhiệt đới và một số nơi khu vực ôn đới. Toàn thân cây này đều có độc, hạt rất độc nhưng bài thuốc này cần đến lá cây.
- Cây Mã tiền: còn gọi là Củ chi (Loganiacae). Mọc hoang nhiều ở miền nam nước ta, thực ra những cây thuộc họ mã tiền rất nhiều nhưng mọc ở nước ta chủ yếu là loại dây leo. Bài thuốc này cũng cần đến lá của chúng.
- Lá két: loại lá mọc khá thông dụng trong các khu rừng ở Việt Nam, vì nó không có độc tính thậm chí còn ăn được, có vị hơi chua nên tôi cũng không rõ vai trò của nó trong bài thuốc này.
- Quả giấy: cây giấy mọc hầu khắp nước ta
- Thuốc rê: Cây thuốc rê mọc nhiều ở miền Nam, nói chung là không có độc. Nó còn là loại thuốc hút khá nổi tiếng.

Mỗi thứ trên chuẩn bị 1 nắm, cho vào một nồi đất (không được dùng nồi kim loại). Đổ ngập nước rồi đun cho đến khi còn 1/3. Rót ra một khay nhựa hay đất, tuyệt đối không dùng kim loại.

Đun tiếp nước thứ 2 giống như nước thứ nhất. Trộn 2 nước lại rồi đun bằng nồi đất cho đến khi sền sệt là được. Lưu ý loại nước này sẽ đông cứng khá nhanh nên hãy nhúng đầu mũi tên vào lăn tròn rồi để nguội là được.

Tác dụng: Khi trúng tên tùy theo con thú lớn hay nhỏ mà bỏ chạy được một đoạn xa hay gần nhưng chúng sẽ mau chóng kiệt sức. Phải dừng lại liên tục để ói mửa. Ta có thể dựa vào tiếng ói mửa để tìm ra chúng mặc dù chúng có thể trốn vào hang đất hay luồn lách trong những bụi rậm thế nào đi chăng nữa. Trước khi chết con mồi sẽ co giật rất mạnh do tác dụng của Mã tiền nên một số loài leo cây hoặc chim trên cây cũng phải rơi xuống đất. Dễ dàng cho ta thu lượm.

Thịt các loài thú săn bằng loại chất độc này vẫn mềm và ngon, ta có thể chế biến sử dụng mà không sợ tác dụng của chất độc.

2. Chất độc Curare của thổ dân Châu Mỹ


Đây là chất độc bí truyền của một số dân tộc Nam Mỹ. Đặc điểm của Curare là độc tính cao, đi vào máu là gây tử vong nhanh chóng nhưng gần như không độc khi ăn uống cho nên thú săn bị trúng tên độc ta vẫn có thể ăn được.

Thành phần của loại chất độc này gồm: Vỏ cây Chondodendron tomentosum Ruiz Pav (ở Việt Nam có cây tiết dê thuộc loại này cực độc và có thể sử dụng) và cây Strychnos Cartelnaci Weld thuộc họ Mã Tiền. Mỗi thứ một nắm.

Muốn tạo ra Curare người, ta cạo vỏ tươi của 2 loại cây trên, dùng cối dã nhỏ , cho thêm nước và lọc lấy nước cốt. Cô loại nước cốt này thật đặc bằng nồi đất (không được dùng nồi kim loại) , thỉnh thoảng nếm xem có đủ vị đắng không, Curare càng đắng thì càng độc (chú ý với những người có vết thương ở phần miệng tuyệt đối không được thử kiểu này)

Những con thú kể cả sư tử hay gấu lớn trúng một mũi tên thì cũng không thể chạy nổi quá 100 mét.

3. Chất độc từ động vật





Từ các loài côn trùng độc như bọ cạp, ấu trùng bọ lá cực độc hay ếch độc, rắn độc. Tuy nhiên để sử dụng được loại chất độc này cần phải có kinh nghiệm, vốn kiến thức tự nhiên phong phú nên tôi không dám phát ngôn bừa bãi và cũng không khuyến khích sử dụng. Cách dễ dàng nhất mà thổ dân Amazon hay làm là sử dụng chất nhờn tiết ra từ da một số loài ếch độc. Những loài ếch này thường có màu sắc sặc sỡ rất dễ nhận thấy, chúng có chất độc thần kinh cực mạnh nên cũng có thể hạ gục con mồi rất nhanh chóng.

Chú ý chất độc từ một số loài ếch độc là không ăn được. Nhưng có thể bị tan rã trong quá trình đun nấu. Dù sao sử dụng chúng cũng rất phiêu lưu nên tôi không hề khuyến khích.

Nọc một số loài rắn độc cũng có tác dụng tương tự nhưng thời gian phát tác hơi lâu. Và phải có trình độ mới có thể lấy nọc từ những loài rắn độc trên.

Còn có một số loại sâu độc, trùng độc còn chưa được biết đến rộng rãi và cũng chưa có sách vở nào ghi chép lại nên tôi sẽ không kể ra. Ngoài ra còn có những phương pháp “nuôi độc”, “cấy độc” mang tính chất tâm linh huyền bí của một số bộ tộc thiểu số Châu Phi, Nam Mỹ hay Châu Úc. Kể cả Châu Á cũng có vùng Miêu Cương Trung Quốc, dân tộc Bana, dân tộc Giẻ Chiêng ở Việt Nam, Thái Lan… đều có tính nghi thức tôn giáo rất cầu kì thậm chí có vẻ nhảm nhí nên tôi cũng sẽ không nhắc đến. Tuy nhiên độc tính và công dụng của những loại độc dược của họ rất kinh khủng và kì quái: nửa giống trúng độc, nửa giống trúng tà. Những cái chết của nạn nhân cũng thường bị bao phủ một màu sắc thần bí đáng sợ.

4. Đầu độc cá dưới nước trên diện rộng hoặc một số loài động vật máu lạnh khác


Nếu nhóm sống sót của bạn đông người và cần một lượng thức ăn lớn thì có thể làm cách này. Sử dụng một số loại cây có chứa chất Rotenon để đầu độc một khúc sông suối làm tê liệt thậm chí giết chết hầu hết loài cá nằm trong tầm ảnh hưởng của nó. Đặc điểm của chất độc Rotenon là chỉ tác dụng lên động vật máu lạnh, con người và các loài thú khác uống nước vẫn không có vấn đề gì. Đoạn sông cũng không bị coi là ô nhiễm và chú ý loại chất độc này chỉ hoạt động được với nhiệt độ trên 10 độ C , nhiệt độ càng cao chất độc phát tác càng nhanh.

Những loại cây có chứa chất Rotenon hoặc các chất có tác dụng tương tự có thể tìm thấy ở Việt Nam:

- Cây củ đậu: Loại cây trồng rất phổ biến, củ ăn rất ngọt và mát nhưng lá và hạt cây có chất độc. Độc tính này không có tác dụng với người nhưng với loài cá thì rất rõ rệt. Giã nát hạt và lá của cây này thả xuống nước những con cá sẽ bị tê liệt và mau chóng nổi lên.
- Cây thàn mát: hay thường trồng ở Hà Nội để lấy bóng mát, cây cao từ 5-10 mét lá có hình giống con dao mã tấu. Cây cũng mọc hoang ở rất nhiều nơi khắp cả nước. Người ta lấy hạt cây thàn mát tán nhỏ, trộn với tro bếp rắc vào ao hồ, suối cũng có tác dụng đầu độc cá phía dưới.
- Còn rất nhiều loại cây khác mọc hoang khắp Việt Nam nhưng hiếm và khó để nhận diện hơn như: cây cổ giải, cây ba đậu, cây hột mát, cây chẹo… tác dụng cũng tương tự, phần sử dụng được chủ yếu là hạt và lá.


Củ đậu ăn rất tốt cho sức khỏe nhưng lá và hạt của nó có độc, hãy chú ý

Ở các nơi khác trên thế giới thì ta có thể tìm thấy các loại cây có chứa rotenon  như:
 - Anamirta cocculus (xem hình): là một loại cây leo thân gỗ phát triển ở Đông Nam Á và trên các hòn đảo Nam Thái Bình Dương.Ở Việt Nam chắc chắn có loại cây này nhưng tôi không nhớ tên dân gian của nó nên sẽ bổ sung sau. Giã hạt của loài cây này và ném xuống nước.


Anamirta cocculus

- Croton tiglium (hình): là một loại cây bụi nhỏ mọc hoang nhiều ở vùng nhiệt đới. Nó có quả chia múi giống khế nhưng nhỏ hơn nhiều và chỉ có 3 cạnh. Khi quả già khô lại có màu nâu, nghiền chúng và ném xuống nước để bắt cá.


Croton tiglium

- Barringtonia (hình) : được tìm thấy nhiều ở các vùng bờ biển phía nam Châu Âu. Đây là loại cây thân gỗ khá lớn có quả với thịt quả dầy (không ăn được). Tách lấy hạt từ quả giã nát và ném xuống nước.


Barringtonia

- Derris eliptica (hình): thuộc họ cây bụi nhiệt đới, là nguồn chính để sản xuất rotenon sử dụng cho y học và thương mại. Lấy rễ cây này đật dập và thả xuống nước sẽ làm cá nổi lên.


Derris eliptica

- Duboisia (hình): Loại cây bụi có hoa màu trắng mọc hoang hoặc được trồng khá phổ biến ở Úc. Nó có hoa màu trắng khá đẹp nhưng thân có độc. Giã nát thân cây thả xuống nước.


Duboisia

- Tephrosia (hình) : Đây là loại cây bụi nhỏ có quả giống quả đậu (đỗ) nhưng không phải quả đậu đâu nhá. Hoa màu tím, thân và lá có độc nên có thể giã nát thân và lá để đầu độc cá dưới nước.


Tephrosia

Những loại cây, hạt trên không chỉ đầu độc được cá mà còn có thể “bả” được hầu hết những loại động vật máu lạnh, nếu biết cách sử dụng hợp lý bạn có thể làm được rất nhiều việc khác từ đống cây cỏ này. Tuy nhiên do tính chất hạ độc hàng loạt của nó nên bạn chỉ nên sử dụng trong những điều kiện khó khăn. Ngoài ra hãy vớt sạch cá chết trôi nổi để giữ sự cân bằng sinh thái và bảo vệ môi trường. Cá chết có thể làm ô nhiễm một khúc sông, 1 cái đầm, hồ rất mau chóng.

Điều cuối cùng tôi muốn nói là về liều lượng và tỉ lệ sử dụng các loại cây trên đây tôi nắm không được rõ. Ngay cả khi hỏi Ben thì anh ấy cũng chỉ nói một cách rất chung chung là: “ít nhất thì cũng phải đủ một nắm tay”. Có lẽ là do tính chất phức tạp và đa dạng về chủng loại của các loại cây cỏ độc nên bạn cũng chẳng cần phải quá quan tâm đến vấn đề tỉ lệ. Cũng bởi các loại cây này gặp khá nhiều trong tự nhiên mà đã gặp thì có số lượng lớn, dư đủ để cho ta dùng.

Đánh bắt dưới nước




 Một vài loài động vật nước mặn

Đây là một sự lựa chọn tương đối tốt, bạn hãy nghĩ đến việc tìm kiếm nguồn thực phẩm dưới nước nếu môi trường sống của bạn gần sông hồ hay biển. Ngoài cách thức dùng chất độc để đánh bắt cá như trên thì cũng còn rất nhiều các cách đánh cá khác mà bạn có thể sử dụng trong trường đại đa số trường hợp.


Những loài cá không ăn được

1. Câu cá


Bình thường thì việc câu cá vốn đã là một việc khá thú vị. Nó cũng đã quen thuộc với đại đa số chúng ta nên tôi không nhắc đến nó nhiều nữa. Tuy nhiên ngoài môi trường hoang dã, khi ta không thể có được những trang thiết bị đầy đủ cho việc câu cá thì mọi chuyện lại khó khăn hơn khá nhiều. Chẳng hạn việc tạo ra một lưỡi câu và dây câu cũng là một chuyện khá nhức đầu rồi.

Dây câu ta có thể tạo ra bằng cách bện từ các sợi tự nhiên (xem lại kì 4) hoặc tốt nhất là bện từ các sợi vải quần áo.

Lưỡi câu thì ta có nhiều lựa chọn hơn. Đơn giản nhất là gọt từ 1 cành cây có sẵn gai nhọn, nếu có thể thì tận dụng tất cả những gì bạn có : Kim tiêm,dây kim loại, móng các loài thú vật, xương thú, gỗ , vỏ sò, mai rùa … Khéo léo hơn thì bạn có thể kết hợp các loại vật liệu này để tạo ra một lưỡi câu hoàn hảo hơn.



Những loại lưỡi câu tự tạo. Từ trái qua phải: Làm từ gỗ, từ dây kim loại, từ gai cây cối và đẽo từ xương động vật

Tiếp đó thì hãy thể hiện trình độ câu cá của bạn.

Tuy nhiên nếu cảm thấy việc câu cá làm tốn của bạn nhiều thời gian và công sức mà năng suất đạt được cũng không thực sự cao thì bạn có thể tạo ra các Stakeout (không biết dịch thế nào) tự động làm công việc đó cho bạn.

Cấu tạo của một cái stakeout cũng không có gì phức tạp (xem hình):
- Tạo ra từ 2 đến 3 dây câu dài 80 cm bao gồm cả lưỡi câu và mắc sẵn mồi.
- Chuẩn bị 2 cành cây cứng dài khoảng 1 mét, buộc 2 cành cây này bằng một sợi dây khác dài khoảng 4-5 mét, gọi là dây chính.
- Buộc những sợi dây câu chuẩn bị ở bước 1 vào sợi dây chính này. Chia khoảng cách hợp lý để các sợi dây không cuốn lấy nhau.
- Cắm 2 cành cây này xuống nước, chú ý cắm ở độ sâu vừa phải nơi có nhiều loại cá sinh sống. Cuối cùng chỉ việc chờ lũ cá đến đớp mồi. Cắm nhiều stakeout sẽ có tỉ lệ thu hoạch cao hơn.




2. Bắt cá bằng lưới


Dễ dàng và thu hoạch được nhiều hơn so với câu cá nhưng lại đòi hỏi bạn có một thứ không hề có trong tự nhiên đó là lưới. Dưới đây là cách đan một cái lưới nếu bạn có thể giữ được các loại dây như dây dù, dây nilon trong khi gặp tai nạn. Còn nếu đan lưới bằng các loại dây tự tạo ngoài thiên nhiên thì tôi nghĩ đó là một việc thực sự rất khó khăn và tốn công sức.


 Một cách chăng lưới theo dòng chảy

Lưới cũng có thể giúp ta bắt chim thậm chí là một số loài thú nhỏ khác.

* Một vài cách khác

- Nếu có thể hãy đan những chiếc đăng, lờ để bẫy cá vào. Cấu tạo đặc biệt của chúng khiến cá đi vào được nhưng không thể thoát ra.
- Những chiếc vợt hay nơm cũng giúp bạn đánh bắt cá bằng tay sẽ dễ dàng hơn.
- Kè đá: Nếu bạn ở gần bờ biển thì cũng có thể đắp một kè đá như hình ở sát mép nước . Lúc thủy triều lên sẽ ngập kè đá mang theo tôm cá, ốc biển. Khi thủy triều rút một số sẽ bị kẹt lại ở kè đá này.
 


Nếu bạn bắt gặp được ao hồ, sông suối thì coi như bạn đã gặp may. Cơ may sống sót của bạn và nhóm đã được tăng lên rất cao. Hãy tận dụng tất cả những gì bạn thấy ở nơi đó từ nước sinh hoạt, các loại rau cỏ, cá tôm sò ốc hay đặt bẫy đánh bắt các loài chim, thú khác đến uống nước. Hi vọng bài viết trên sẽ giúp bạn làm tất cả những điều đó một cách dễ dàng nhất.



Theo GenK
Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Delicious Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét