Phần 8: Tìm lương thực nơi hoang dã

Rất vui khi được gặp lại các bạn trên hoang đảo trù phú này của chúng ta. Ở những kì trước chúng ta đã bàn đến việc tự làm ra nước, lửa và một chỗ trú ẩn an toàn. Những việc này nếu gặp may thì bạn có thể hoàn thành trong một vài ngày. Nói chung chúng là những yếu tố khá ổn định, bạn có thể an tâm là có thể sử dụng chúng lâu dài trừ một số trường hợp đặc biệt.

Và đây là lúc để các bạn hướng suy nghĩ của mình đến một vấn đề thiết thực không kém đó là thực phẩm. Thực ra thì ngay từ đầu, sau nước uống thì hầu hết suy nghĩ của ta là làm thế nào để no bụng. Đó là tâm lý chung của hầu hết những tình huống sinh tồn dù là giả định hay thực tế. Có thực mới vực được đạo, thực phẩm cũng là một góc tối cần thiết trong tam giác của sự sống: Nước, thực phẩm, trú ẩn.


Nếu bạn phải tồn tại cùng với cái đói đang dai dẳng đeo đuổi. Ý chí sinh tồn của bạn sẽ là cái cạn kiệt đầu tiên, và mất đi ý chí là mất đi tất cả. Ngay sau đó là sinh lực, sức chịu đựng cũng sẽ suy kiệt. Tất nhiên khi đó sinh mạng của bạn đã bị đe dọa nghiêm trọng.


 Đừng để mình bị đói cho dù phải ăn bất kì thứ gì có thể tìm thấy. Kể cả đó là kiến mối

Tôi vốn cũng không định mào đầu dài dòng văn tự nhưng quả thật việc bắt đầu từ đâu làm tôi rất bối rối. Những tài liệu ghi chép kinh nghiệm của Ben về vấn đề lương thực thực phẩm quá nhiều và sắp xếp hỗn loạn. Cộng thêm những tài liệu tôi tự sưu tầm được, tất cả là một khối kiến thức khổng lồ. Tôi hoàn toàn không muốn làm các bạn bị nó làm choáng ngợp. Vì vậy tôi sẽ đi về những thứ đơn giản và dễ hiểu, dễ làm nhất và để lại những thứ khó khăn hơn nói đến sau. Những thứ khó khăn này chẳng qua cũng chỉ là kinh nghiệm thực tế của Ben khi đến vùng Bắc Tạng, Châu Phi hay sống với thổ dân Indonesia... Nó giống như một thứ để bạn khám phá, tìm hiểu hơn là những kinh nghiệm thiết thực mà bạn cần học hỏi để có thể áp dụng được.

Và riêng với bài viết này, nó có thể kéo dài 2 hoặc 3 kì với vài chục nghìn chữ. Đó là tất cả những gì tôi có thể cô đọng lại từ tâm huyết của nhiều người. Kể cả của những người vô danh trên Internet.

Trở lại với chủ đề, hoang đảo mà bạn trôi dạt như tôi đã nói, dù thế nào đi chăng nữa thì vẫn có rất nhiều thứ mà bạn có thể tận dụng. Thực phẩm cũng không ngoại lệ.

Có nhiều thứ có thể là thực phẩm, hoặc ít ra là trông giống như thực phẩm. Có những thứ bạn ăn được, có những thứ ăn vào làm bạn bị bệnh . Một vài thứ ăn vào bạn sẽ chết nhưng chính nó lại giúp bạn “tạo ra” những loại thực phẩm ăn được khác... vân vân và vân vân. Có quá nhiều thứ để nói đến trong vấn đề này. Thiên nhiên quanh ta thì trù phú và hào phóng nhưng lại nguy hiểm chết người với những kẻ “tay mơ” thiếu hiểu biết.

Một vài ví dụ đơn giản mà ai cũng biết: Nấm chẳng hạn. Nấm độc có màu sắc sặc sỡ và nấm ăn được có màu sắc đơn giản. Đừng vội, việc làm theo cái kinh nghiệm mơ hồ này sẽ giết chết bạn rất mau chóng. Phân biệt nấm ăn được với nấm không ăn được còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mũ nấm, các loại đốm, rễ, vành hay thân nấm. Một chuyên gia về nấm cũng không dễ dàng gì trong chuyện này. Và với hơn 10.000 loại nấm khác nhau, hãy chỉ chọn những loại nấm mình biết để ăn là cách tốt nhất. Nấm rất dễ tìm thấy ở khắp nơi trên thế giới, chúng có thể rất độc nhưng có thể cũng rất bổ dưỡng và ngon miệng.

  Nhìn có vẻ “hiền lành” nhưng đây là loại nấm mũ tử thần. Chỉ cần ăn một mũ nấm thôi là đủ gây tử vong. Trông chúng hoàn toàn giống nấm ăn được.


 Còn đây là loại nấm amanita-phalloides. Khi ăn vào sẽ gây ảo giác, cười vô thức, cảm thấy khoan khoái tê dại giống như hồn lìa khỏi xác.

Hay đơn giản hơn là các loại củ quả. Củ khoai môn thì ai cũng biết, nó mọc ở mọi nơi từ nhiệt đới, ôn đới đến hàn đới. Nhưng trong đám họ hàng hang hóc nhà nó có loại ăn rất ngon và ngọt, có loại ăn rất chát , đắng. Có loại làm bạn rối loạn tiêu hóa, cũng có loại làm bạn dị ứng ngứa ngáy toàn thân đến mức độ vật vã sống không bằng chết (Nguyên văn). Và để sử dụng những loại thực phẩm kiểu này sẽ phải dùng đến một phép thử mà tôi sẽ nhắc đến ở phần sau.

Ở ven biển thì cũng có những loại trai, sò, cá tôm. Chúng có thể khá quen thuộc và trông có vẻ lành hơn nhưng thực tế mức độ nguy hiểm cũng không hề kém cạnh. Sứa có thể có độc, bạch tuộc cũng có thể có độc. Thậm chí cả rùa biển (đồi mồi) cũng có tuyến độc riêng nếu không biết cách loại bỏ mà ăn phải thì chết chắc. Một số loài cá da trơn, cá nóc có độc, rắn biển thì cực độc. Đặc biệt có một số loài trai, sò ở thời điểm này thì ăn được nhưng ở thời điểm khác ăn vào lại rất nguy hiểm…

Còn rất nhiều yếu tố cần phải nhắc đến như côn trùng, bò sát, các loài thú, các loài chim chóc tôi sẽ lần lượt nhắc đến xen kẽ trong bài viết. Một lời khuyên trong hoàn cảnh này là: Chỉ ăn những gì mình hiểu rõ. Nếu như bạn đã có một lượng kiến thức và kinh nghiệm nhất định về thiên nhiên hoang dã, bạn có nhiều lựa chọn hơn và bạn cũng sẽ thoải mái, tự tin hơn khi phải vật lộn mưu sinh ở nơi khắc nghiệt này. Ít ra với lượng kiến thức trong bài viết này, tôi chắc chắn một điều là nó đủ làm cho bạn có thêm ý chí để không khoanh tay nhịn đói mà chờ chết.

Để tìm thực phẩm từ trong thiên nhiên. Ta có thể tìm ra chúng từ 2 nguồn chính: động vật và thực vật.

Động vật


Ít nhất thì loại này cho ta rất nhiều năng lượng, chất béo, protein… hơn hẳn so với các loài thực vật. Với những người đi rừng chuyên nghiệp như thổ dân Châu Phi, Châu Úc thì chúng khá dễ kiếm nhưng với chúng ta thì hơi khó khăn một chút. Chưa nói đến vấn đề săn bắn vội, ở đây tôi muốn nói là ngoài hoang dã thực phẩm có nguồn từ động vật rất phong phú thậm chí là dễ kiếm nhưng một điều quan trọng là bạn có dám ăn, dám đụng tới chúng hay không. Không đến mức ăn tạp như Grylls Bear nhưng bạn nên hiểu rằng đôi lúc thiên nhiên không cho phép bạn kén chọn.

Nếu bạn tập được cho mình khả năng ăn những thứ bình thường mà chẳng dám chạm vào thì xin chúc mừng. Bạn sẽ chẳng bao giờ chết vì đói.

“Đồ ăn” của bạn có thể là các loài côn trùng như mối, dế, châu chấu (ngon và bùi, không hôi như các bạn nghĩ đâu), ve sầu, một vài loài ong, nhộng, sâu… Nếu ăn chúng thì xâu chúng thành que nướng trên lửa hay rang trên một cái chảo là tốt nhất. Thậm chí hầu hết loài bọ cạp đều ăn được.


  Đuông dừa, một món ăn lạ miệng của dân nhậu

Giun:  giun là một nguồn protein tuyệt vời. Theo Ben nói thì mặc dù sống trong đất nhưng nó khá sạch sẽ và ngon miệng. Tìm chúng ở những khu đất ẩm ướt hoặc chúng sẽ tự bò đầy trên mặt đất sau những cơn mưa lớn. Bắt chúng và bỏ vào một chậu nước sạch khoảng 60-90 phút. Chúng sẽ tự “mơi” những chất cặn bã trong cơ thể ra nước. Rửa sạch chúng lại một lần nữa và bạn đã có thể sẵn sàng chế biến chúng cho bữa ăn ( món giun này xay ra trộn với trứng và chiên lên thì ít có mùi tanh hơn và khá ngon).

  Ngoài việc trông chúng khá “kinh dị” thì ta có thể ăn chúng với số lượng lớn mà không gặp phải vấn đề gì.

Một vài loài nhuyễn thể như ốc sên, trai, sò… ở trên cạn hay dưới nước đều ăn được. Tuy nhiên ăn chúng hay bị “lạnh bụng” và dị ứng nên phải luộc hay nướng thật kĩ trước khi ăn.

Ếch, nhái, cóc, chẫu chàng… Đun một nồi nước sôi nhúng chúng vào sau đó cạo nhớt hay lột da. Bỏ lòng và trứng vì có thể có độc. Sau đó thì chế biến làm món gì cũng rất ngon.

Các loại chim, thú thì khỏi nói. Chúng rất ngon và bổ dưỡng. Tuy nhiên chúng hơi khó bắt, một số loài còn rất nguy hiểm. Nếu tìm được đến tổ của nhiều loài chim bạn sẽ thu thập được rất nhiều trứng chim. Có thể lên đến hàng trăm quả. Hãy bảo quản chúng để sử dụng lâu dài.

Nói về cá: số lượng cực kì lớn nhưng để đánh bắt được chúng cũng không phải là đơn giản. Tôi sẽ nói về vấn đề này kĩ hơn ở kì sau. Nói chung thì các loài chim, thú, cá tôm sẽ là nguồn lương thực chính và dồi dào nhất ngoài hoang dã. Nắm bắt được đặc điểm và cách đánh bắt chúng bạn sẽ có cơ hội tồn tại cao hơn trong nhiều tình huống khắc nghiệt.

Bạn nghĩ sao? Những gì dễ kiếm thì có vẻ khó ăn, những gì ngon lành thì lại khó đánh bắt ?
Dù sao thì chắc chắn một điều là mẹ thiên nhiên đối với chúng ta vừa hào phóng lại vừa khắc nghiệt. Sự nhạy bén và kỹ năng sinh tồn của bạn sẽ là chìa khóa để đến được với kho báu của tự nhiên này.

Sau đây tôi xin đi vào những thứ “đồ ăn” cụ thể hơn từ tủ lạnh của thiên nhiên.

Côn trùng


Thực ra người Việt Nam ta là dân tộc có thể ăn được nhiều món ăn lạ lùng và kì quái nhất. Từ giun biển (rươi), các loại sâu nhộng, châu chấu, bào thai gà vịt, thịt chó mèo, máu động vật sống… Và bây giờ thêm một vài món ăn từ côn trùng chắc cũng không đến nỗi khó khăn.

Côn trùng là loại động vật đông đảo nhất trên thế giới. Từ chủng loại đến số lượng chúng đều rất phong phú. Chúng lại xuất hiện ở mọi nơi trên thế giới và việc bắt được chúng cũng khá dễ dàng. Nói ngắn gọn nếu chọn chúng làm lương thực bạn sẽ bớt đau đầu trong việc săn bắn hái lượm.

Về mặt dinh dưỡng, so với thịt bò thì những loại sâu nhộng, ấu trùng giàu protein hơn từ 50-70% .Những loại côn trùng chân đốt và vỏ cứng thì ít protein hơn một chút nhưng vẫn nhiều hơn đa số các loại thịt cá.

  Rết và bọ cạp chiên giòn cũng được ưa thích trong các quán nhậu

Tuy nhiên một điều rõ ràng là không phải loại nào cũng có thể ăn được. Một vài loại có độc, một vài loại có mùi vị khó nuốt, hôi, hăng, chát, đắng… Những con sâu bướm có lông độc gây ngứa. Một số loại côn trùng có chứa mầm bệnh như bọ ve, bọ chét, ruồi, muỗi cũng không ăn được. Đa số loài nhện ăn được nhưng không khuyến khích vì một vài loài có độc mạnh,chúng còn chứa nhiều loại vi khuẩn kí sinh nguy hiểm nữa. Còn lại thì hầu hết ta có thể ăn được, mùi vị của “bọn chúng” sau khi qua chế biến cũng không khác biệt là mấy, không quá khó ăn (nguyên văn).

Tìm chúng ở đâu?


Dưới những lớp lá khô, dưới những thân cây mục nát hay những khu đất ẩm ướt ta có thể dễ dàng tìm thấy kiến, mối, bọ cánh cứng và các loại ấu trùng của chúng . Một số tổ côn trùng rất dễ nhận biết trên mặt đất, trên thân cây. Đừng nên bỏ qua chúng.



 Loài mối thường sống trong các thân cây gỗ hoặc ụ đất.

Trong khu vực cỏ rậm bạn cũng có thể tìm thấy nhiều loài côn trùng khác nhau. Từ cào cào, châu chấu, các loài sâu, bọ cánh cứng, rết, bọ cạp (Mình nghe nói là rết và bọ cạp sau khi bỏ tuyến độc chiên lên thì vị còn ngon hơn tôm hùm - Đây cũng là món mồi khoái khẩu của dân nhậu miền Bắc). Những loài côn trùng có vỏ cứng hay chân có gai (châu chấu) thì loại bỏ phần cứng đó đi, phần còn lại có thể ăn toàn bộ. Chú ý những loại côn trùng này hay có giun sán và các loại ký sinh trùng có hại. Không được ăn sống trực tiếp mà phải nấu chín chúng rồi mới ăn (Grylls Bear là trường hợp đặc biệt, đừng nên bắt chước anh ấy).

Loài kiến cũng là một loài côn trùng dễ ăn. Một số loại kiến có vị ngọt vì chúng tích trữ một lượng đường lớn trong cơ thể. Ong cũng dễ ăn nhưng chúng lại có ngòi độc rất sắc nhọn, nhộng ong là một món ăn hiếm có và ngon lành. Tổ ong thì khỏi nói, bao gồm mật ong và tàng ong (phần tổ bên trong chứa mật ăn rất ngon). Nếu bắt gặp một tổ ong to thì bạn đã gặp may vì đó là một nguồn thức ăn giàu năng lượng và protein. Một tổ ong lớn có thể cho đến 10 lít mật ong chưa kể các thành phần còn lại đều có thể tận dụng được. Chú ý bị ong đốt có thể nguy hiểm chết người. Tuy nhiên ong rất sợ bị hun khói và sợ lửa. Tạo khói bằng cách đốt nhiều lá tươi quanh tổ của chúng, sau đó ta có thể khai thác tổ ong dễ dàng hơn.

Đối với một số người nếu côn trùng quá khó ăn (Phụ nữ chẳng hạn) bạn có thể xay hoặc giã nhỏ rồi trộn với các loại rau củ để làm các món canh, súp cho dễ ăn. Trộn với chứng chim và chiên lên cũng là một cách.

Tóm lại nếu có thể hãy lựa chọn côn trùng cho thực đơn của bạn. Chúng không chỉ dễ dàng đánh bắt mà thực sự rất giàu chất dinh dưỡng.


 Thay vì ăn sống như Grylls Bear hãy xiên chúng qua một chiếc que và nướng kỹ trên lửa.

Giun, rươi


Như tôi đã nói ở trên, chúng dễ tìm và dễ ăn. Không có các chất độc và giàu protein. Cách ăn để khỏi phải tưởng tượng ra hình dáng của chúng tốt nhất là xay nhỏ và trộn với các loại thức ăn khác hoặc ăn kèm với rau củ.

  Sá sùng, một loài giun biển ngon và có giá trị

Động vật giáp xác



 Tôm, cua là những loài động vật giáp xác khá thân thuộc. Chúng xuất hiện ở cả những ao, hồ nước ngọt đến các vùng biển.

Tôm nước ngọt có số lượng rất lớn, kích thước từ 0.25 đến 2,5 cm. Chúng có thể hình thành một đám rất lớn dưới các tảng đá, các vùng rong tảo nổi trên mặt hồ. Hãy tạo ra những chiếc vợt có cán dài để đánh bắt chúng.

Tôm càng xanh cũng sống ở nước ngọt nhưng kích thước lớn và có thịt thơm ngon giống tôm hùm. Chúng có lớp giáp cứng và đôi càng quá khổ rất đặc trưng. Tôm càng xanh hoạt động về đêm nhưng ban ngày ta vẫn có thể xác định vị trí của chúng bằng cách xác định những vùng bùn xốp có màu sẫm. Những khu vực có nhiều rong tảo nổi và có sủi tăm (sủi bọt). Chúng có màu sắc lẫn vào màu bùn nên hơi khó nhìn.


 Tôm tép còn được nuôi làm cảnh. Một vài loài có màu sắc rất đẹp.

Tôm càng xanh là một loài khá hung dữ nên câu chúng cũng rất dễ. Chỉ cần buộc các miếng mồi sống nhỏ thành 1 dây dài hoặc sử dụng nội tạng (ruôt) những loài chim, cá nhỏ để câu chúng. Chúng sẽ dùng càng kẹp chặt lấy mồi và ta chỉ việc nhè nhẹ kéo chúng lên bờ. Cách này cũng có thể áp dụng để câu một số loài cua, còng khác cũng ở vùng hồ.

Ở biển thì có tôm hùm và các loài cua biển, thịt của chúng là một loại đặc sản ngon miệng. Bạn có thể tìm thấy chúng ở gần bờ biển cách vùng sóng đánh tới khoảng 10-15 mét. Các loài tôm và cua này đặc biệt thích ánh sáng nên bạn có thể dùng ánh sáng để bẫy chúng mắc vào lưới đặt dưới biển. Ban ngày thì có thể dùng vợt hoặc cần câu. Đối với loài cua biển, thỉnh thoảng chúng còn lên bờ để kiếm ăn. Đặt bẫy có mồi ở phần rìa sóng cũng hay bắt được chúng. Tuy nhiên tôm hùm và cua biển là loài ăn đêm nên bạn sẽ bắt gặp chúng nhiều nhất vào thời điểm này.


 Trên youtube có một video mô tả tường tận cách Grylls Bear bắt con tôm hùm này với một chiếc gậy nhọn đầu

Các loài nhuyễn thể



Các loài nhuyễn thể bao gồm: Mực, bạch tuộc, các loài có vỏ cứng như sò, ốc, các loài 2 mảnh vỏ như trai hàu, ngao, vạm… Hải sâm hay nhím biển cũng có thể tính là loài nhuyễn thể. Chúng thường sống ở biển.

Vùng nước ngọt cũng có các loài tương tự như ốc, ốc sên, trai, hến… Chúng sống rải rác cả ở trên cạn và dưới nước.

Ở những vùng sông, suối nước ngọt. Có thể tìm thấy các loại ốc, hến ở những vùng đáy cát, bùn nông các con sông, hồ, suối nơi nước có màu sắc đậm nhiều dưỡng chất. Những con suối chảy qua những khu rừng xanh tốt cũng có rất nhiều. Chúng nằm lẫn dưới bùn hoặc cát, số lượng thì rất lớn. Cũng có một vài loài ốc bám vào những tảng đá để ăn rong rêu. Nếu tìm ra chúng thì thường ta thu hoạch được khá đáng kể.

Nếu ở biển thì các loài trai, sò, ốc, vạm, ngao… thường nằm trong cát ở vùng biển nông gần bờ. Nếu có thể lặn xuống, dùng một chiếc cào để cào cát ra bạn sẽ tìm thấy chúng. Khi thủy triều rút xuống thậm chí bạn không cần lặn cũng có thể bắt được một số lượng đáng kể. Ốc biển thường bám vào các tảng đá dọc theo bãi biển. Loài trai thường sống trong các hốc đá, kẽ đá. Chúng có kích thước khá lớn, thịt thơm ngon và thỉnh thoảng có con mang trong mình những viên ngọc trai.
Sên biển và ốc limpet thì sống trong những đám rong tảo trôi nổi, kéo dám rong tảo vào bờ để tìm thấy chúng.

Về cách chế biến sử dụng thì rất dễ dàng và đơn giản. Đun nấu chúng thật kĩ với nước sôi hoặc nướng trực tiếp cả vỏ trên lửa. Cũng có thể hầm chúng với các loại rau củ quả mà bạn tìm được. Cách nào đi chăng nữa thì hương vị của chúng cũng rất tuyệt vời.


 Hương vị của các loài trai sò biển rất ngon nhưng ăn với số lượng lớn có thể gây rối loạn tiêu hóa.


Các loài cá là một trong những mắt xích quan trọng trong chuỗi các nguồn protein của chúng ta. Chúng có số lượng đông đảo, đa dạng về chủng loại, chất lượng, hương vị... Chúng còn có lợi thế hơn các loại thức ăn khác khi cung cấp các loại vitamin hiếm, các loại dầu, i-ốt, chất sắt, natri... Đánh bắt cá là một việc vừa dễ vừa khó, vừa nhàm chán lại vừa thú vị. Hầu hết với chúng ta để bắt được một con cá là rất khó khăn. Nhưng với những người ngư dân chuyên nghiệp, khi đã nắm rõ được tập tính của từng loài cá rồi thì việc đánh bắt chúng rất dễ dàng. Thậm chí là bằng tay không.


 Như vậy để đánh bắt cá thành công, trước hết bạn phải hiểu được thói quen và tập tính của chúng. Thực ra thì cũng không quá đến mức phức tạp.

Ví dụ loài cá thường có xu hướng đi ăn thật nhiều trước những cơn mưa bão (cả ở sông và ở biển). Lúc này chúng di chuyển theo đàn lớn rất ham ăn và dễ câu, dễ bắt. Nguyên nhân của việc này là sau cơn mưa bão, nước bị khuấy đục. Bùn bị sục lên và mất rất lâu để lắng xuống nên sẽ làm chúng khó khăn trong việc kiếm ăn. Nước mưa làm thay đổi môi trường sống khiến chúng cảm thấy khó chịu, sau mưa một số loài còn nhảy lên bờ như cá rô chẳng hạn…

Vào ban đêm, ánh sáng cũng thường thu hút loài cá tập trung lại. Hãy đặt lưới phía dưới nơi có nguồn sáng để thu hoạch chúng. Những nơi có dòng chảy mạnh, xoáy như thác nhỏ, suối thường có một lượng phiêu sinh vật và thức ăn trôi nổi lớn nên cá cũng hay tập trung ở khu vực này. Cá thường nghỉ ngơi ở những nơi như hốc đá chìm sâu trong nước, các khe đá, phía dưới tảng đá, rong rêu, những tán lá ngập nước, thân cây chìm, gỗ mục, bóng râm hay bất cứ chỗ nào có thể cung cấp nơi trú ẩn cho chúng. Những người có kinh nghiệm sẽ rất dễ nhận thấy và tìm ra dấu vết của cá ở những nơi này.



Vào những khoảng thời gian mưa lớn và lũ đầu mùa. Các loài cá thường lội ngược dòng nước tập trung ở đầu nguồn để tìm nơi sinh sản. Những lúc này chúng liều mình, cố chết vượt thác, thậm chí trườn lên bờ để đi đến nơi sinh sản, sử dụng đăng và lưới ta có thể bắt được với số lượng cực lớn.Tuy nhiên cách này chỉ mang tính chất thời vụ đặc biệt. Đánh bắt cá quanh năm chủ yếu vẫn bằng cách câu, lưới,nơm, vó, thuốc (đầu độc)… mà tôi sẽ nói rõ hơn ở phần sau.

Các loài cá nước ngọt thì hầu hết không có độc tuy nhiên chúng lại chứa nhiều loại vi khuẩn, nhiều loại mầm bệnh trên cơ thể và trong cả thịt của chúng. Tuyệt đối không ăn sống các loại cá nước ngọt này mà phải nấu chín để phòng ngừa nhiễm bệnh. Một vài loài cái da trơn như cá trê, cá nheo có nghạnh cứng và sắc ở vây và râu. Một số loài có gai ở đuôi. Bị chúng đâm trúng thì thường gây ra các vết thương sâu, khá đau đớn và dễ bị nhiễm trùng.

Những loài cá bắt được trên biển trong môi trường nước mặn thì hầu hết không chứa các loại vi khuẩn có hại hay các loại kí sinh trùng. Có thể ăn sống được chúng mà ít phải lo ngại vấn đề này. Tuy nhiên một số ít loài cá nước mặn lại có độc như cá nóc, cá nhím, cá gai, cá dầu (oil fish) , hải ngưu, trigger fish (nguyên văn) ,cá mặt hề (jack fish)… Một số loại cá nguy hiểm như cá mập, cá nhám, cá nhồng (barracuda fish) thì tốt nhất là đừng kích động chúng. Ko săn bắt nếu không có đủ trang thiết bị.


 Cá nhồng nguy hiểm với hàm răng sắc nhọn và kích thước lớn. Tuy nhiên thịt của chúng lại rất ngon.

Để nấu nướng chúng thành thức ăn thì có lẽ tôi không phải nói nhiều thêm. Loài cá đã vốn rất quen thuộc trong các bữa ăn của mọi gia đình ở khắp nơi trên thế giới.

Cá rất dễ bị thiu, ươn nên việc làm cá và chế biến, bảo quản chúng như thế nào hiệu quả tôi sẽ nói rõ hơn vào phần sau.

Động vật lưỡng cư.


Số lượng của chúng cũng khá lớn và đa dạng nhưng ở đây ta chỉ nói đến ếch và kì nhông là 2 loài dễ dễ bắt,đông đảo, ít nguy hiểm và dễ ăn (nếu không muốn nói là rất ngon lành).

Chúng có thể dễ dàng tìm thấy ở những khu vực như xung quanh sông suối, hồ nước ngọt, nhưng khu vực ẩm ướt… Loài ếch hiếm khi di chuyển ra xa khỏi khu vực mặt nước, khi nhận thấy nguy hiểm chúng sẽ lao mình xuống nước lẩn trốn trong những khe đá hoặc dưới bùn. Thịt ếch trắng và thơm, còn ngon hơn cả thịt gà.

Chú ý rằng có khá nhiều loài ếch độc. Nếu để ý thấy những con ếch có màu sắc sặc sỡ, có đốm hoặc vằn sáng màu thì chắc chắn là chúng có độc. Hãy nên nhớ một điều: “Trong tự nhiên, màu sắc chính là sự cảnh báo của cái chết”.  Mấy loài ếch có hình dáng kì lạ một chút tốt nhất cũng  bỏ qua.

  Trông thì khá bắt mắt đấy nhưng lượng chất độc trong 1 con ếch này có thể giết chết 10 người trưởng thành

Đừng nhầm ếch với cóc. Chúng có hình dáng khá giống nhau nhưng cóc có lớp da dầy, xù xì và trông xấu xí hơn so với ếch. Loài cóc thường sống ở trong môi trường khô. Không phải là loài cóc không ăn được nhưng lớp da của chúng thường tiết ra chất độc để chống lại các cuộc tấn công khi chúng lang thang khắp nơi. Một số bộ phận khác của cóc cũng có độc tùy theo từng loài. Nói chung là nếu không có kỹ thuật xử lý thịt cóc chuyên nghiệp thì nên bỏ qua loài này để tránh bị ngộ độc.

Kỳ nhông: thịt của kỳ nhông khá ngon kể cả nhiều loài họ hàng khác của nó cũng vậy. Chúng là loài ăn đêm nên về đêm sẽ là thời điểm tốt nhất để bắt loài này. Sử dụng các loại đèn pin, lửa để soi sáng và thu hút chúng. Kỳ nhông thường sống trong các kẽ đá gần bờ hoặc các khu vực nhiều bùn lầy dưới nước. Chúng khá chậm chạp và dễ bắt.

Kỳ nhông có kích thước từ một vài cm cho đến 60 cm và ít nguy hiểm, chúng khá hiền lành.

  Ở Việt Nam món kì nhông nướng muối ớt là một món ăn khá nổi tiếng

Các loài bò sát




Các loài bò sát tuy có số lượng lớn nhưng khá phức tạp về chủng loại, tính chất , chúng cũng cung cấp một lượng protein tốt và ổn định. Độ khó để đánh bắt chúng từ mức khó cho đến tương đối dễ dàng, thịt từ chúng cũng khá ngon và dễ ăn, dễ chế biến.

Một ưu điểm nữa là bò sát là một loài máu lạnh, có nghĩa là cho dù chúng có chứa một số loại vi trùng, vi khuẩn nhưng chắc chắn một điều là các loại kí sinh trùng này sẽ ko gây được bệnh cho loài máu nóng là con người chúng ta. Đây cũng chính là nguyên nhân mà rắn, tắc kè, thằn lằn được ngâm sống, ăn sống và tiết, máu của chúng cũng được uống sống trong các bữa nhậu. Tất nhiên nấu chín chúng vẫn là lựa chọn an toàn nhất nhưng trong một vài trường hợp khẩn cấp, bạn có thể ăn sống chúng (tất nhiên là sau khi đã xử lý phần đầu, nội tạng hoặc những bộ phận có độc)

Nói về độc thì có nhiều nhiều loài bò sát có độc. Không chỉ rắn mà các loài thằn lằn, tắc kè, sa giông, rùa… đều có thể cắn gây nhiễm độc hoặc bản thân chúng chứa độc. Hầu hết các loại rắn từ độc đến không độc đều ăn được nhưng nếu không có kinh nghiệm thì không khuyến khích các bạn bắt chúng.

Riêng về các loài thằn lằn cũng có một số loài rất nguy hiểm như :

Thằn lằn Gila (tên khoa học là  Heloderma suspectrum). Chúng có làn da màu đen với những đốm màu hồng nhạt. Chiều dài trung bình của chúng từ 35-45 cm với cái đuôi lớn. Chúng ít cắn trừ khi bị kích động hoặc đang trong mùa sinh sản. Chất độc của chúng dư sức để làm chết người. Chúng thường xuất hiện ở phía nam Hoa Kì.

  Thằn lằn Gila

Thằn lằn đính cườm mexico (Heloderma horridum): tương tự như thằn lằn Gila nhưng chúng không có đốm hồng như thằn lằn Gila mà có vảy sáng đồng đều toàn thân, màu sắc của chúng cũng nhạt hơn. Bản chất của thằn lằn đính cườm Mexico hiền lành nhưng khi bị chúng cắn thì nguy hiểm chết người bởi lượng độc trong nước dãi của chúng. Nếu gặp chúng thì xin hãy để chúng yên.

  Thằn lằn đính cườm Mexico.

Rồng komodo (Varanus komodoensis) : đây là loài thằn lằn khổng lồ có thể phát triển chiều dài cơ thể lên đến hơn 3 mét với cân nặng trên 135 kg. Đừng nghĩ đến chuyện bắt nó mà hãy suy nghĩ làm sao để nó không bắt được mình. Đã có nhiều trường hợp ghi nhận con người bị loài thằn lằn này ăn thịt. Chúng không chỉ có hàm răng sắc khỏe với những cú đớp tầm cỡ cá sấu mà trong nước dãi của chúng còn có một loại chất độc ngăn đông máu và làm tê liệt thần kinh. Vì thế những con trâu bò lớn còn thường xuyên là con mồi cho chúng. Loài này chỉ đặc biệt sống trên một số đảo của Indonesia.


 Rồng Komodo có thể săn được cả những con trâu rừng

Trên đây là 3 loài thằn lằn duy nhất trên thế giới được phát hiện là có độc, tuy nhiên còn một số loài khác to khỏe và khá nguy hiểm. Hãy lựa sức mình mà tính toán xem nó có thể là bữa ăn của mình hay không.

Rắn: như tôi đã nói ở phía trên, chúng vốn đã khá nổi tiếng và rất nhiều loại chứa trong mình chất độc chết người. Chú ý là độc rắn nhiễm vào máu sẽ nguy hiểm đến tính mạng nhưng nuốt phải lại không có gì nguy hiểm. Tôi sẽ có một bài riêng về loài rắn bao gồm tập tính, xử lý rắn cắn và chữa trị khi bị rắn cắn vào bài viết kì sau. Nhưng tốt nhất là hãy tránh xa chúng khi không có đủ kinh nghiệm săn bắt, một bữa ăn không đáng để trả giá bằng cả tính mạng mình.


Còn lại một vài loài có chứa độc trong thân thể khi ăn vào sẽ gây tử vong như sa giông, đồi mồi, rùa hộp. Bản thân rùa hộp không có độc trong nước dãi hay túi độc, chúng cũng ko có khả năng cắn gây độc nhưng do chúng thường ăn các loài nấm độc nên trong cơ thể chúng tích trữ một lượng độc dược gây chết chết người. Ở biển có loài rùa biển (đồi mồi) có tuyến độc trước ngực. Rất khó để loại bỏ tuyến độc này nên người ta không ăn loài rùa biển. Khác với độc rắn, các loại độc dược này khi ăn phải sẽ đầu độc con người một cách nhanh chóng, kể cả nấu chín chúng lên cũng không giải quyết được vấn đề.


  Săn bắn những gì vừa tầm với bạn là một lựa chọn thông minh nhất

Các loài chim



Hầu hết tất cả các loài chim đều ăn được, mùi vị chúng cũng khác nhau nhưng nói chung là khá ngon lành. Và loài chim vốn là loài động vật bay trên trời, như vậy thì săn bắn chúng có thực sự khó khăn không?

Tôi xin khẳng định là săn bắn các loài chim khá dễ, dễ hơn đa số các loài thú và bò sát. Tất nhiên là với điều kiện phải có những sự hiểu biết nhất định về thói quen sinh hoạt, tập tính hay đặc điểm riêng của một vài loài chim. Bạn cũng phải biết cách làm một số loại bẫy, lưới đơn giản hoặc một số loại công cụ để phục vụ cho việc săn bắn. Việc này cũng không quá khó và tôi sẽ hướng dẫn cụ thể hơn ở phần sau.

Một số loài chim như chim bồ câu,cò,gà rừng, le le… vào ban đêm khi chúng ngủ thì rất mất cảnh giác và chậm chạp đến mức bạn có thể dễ dàng bắt chúng bằng tay không. Trong mùa chim làm tổ và đẻ trứng, một số loài chim còn kiên quyết không rời tổ ngay cả khi bạn đã tiếp cận sát tổ của chúng. Nếu bạn có thể nhận biết được vị trí tổ chim hay cả một khu quần thể tổ chim thì đó chính là một kho thức ăn dồi dào cho bạn. Không chỉ dễ dàng cho việc đánh bắt chúng hơn mà ở khu tổ chim còn chứa trứng chim với số lượng cực kì lớn.

Loài chim là một loài có trí nhớ và khả năng định hướng cao nên chúng thường bay theo một lộ trình nhất định từ tổ chim cho đến nơi chúng kiếm ăn như ao hồ, đầm… Hãy tinh ý quan sát lộ trình bay của loài chim bạn sẽ phát hiện ra rất nhiều điều thú vị như các loại ao hồ, khu vực có nước, tổ chim,hang động… Và ở những nơi này nếu bạn thiết kế các loại cạm bẫy (ví dụ ở gần các hố nước, tổ chim) thì khả năng thu hoạch được chúng rất lớn.

Dưới đây là bảng liệt kê tập tính, nơi làm tổ và thời điểm xuất hiện của một số loài chim thường gặp:



Khi bạn đã đánh dấu được vị trí vài cái tổ chim thì có một mẹo khai thác trứng chim ở đây là:

- Không được phá hủy tổ chim trong mọi trường hợp, kể cả khi đã lấy hết trứng chim hoặc con non hay bắt luôn chim trong tổ.

- Nếu thấy trong tổ có trứng thì thu thập lấy nhưng để lại khoảng 2-3 quả trong tổ. Lũ chim sẽ đẻ trứng tiếp vào đó thể bù lại cho sự thiếu thụt mà không bỏ hẳn tổ. Chúng có thể nhận ra điều bất ổn nhưng chắc chắn một điều là chúng không biết đếm. Như vậy bạn sẽ có một nguồn cung cấp trứng chim khá ổn định nếu biết được vị trí nhiều tổ chim.

- Một số tổ chim được xây ở những cây cao, mỏm đá nguy hiểm. Cẩn thận chim bố mẹ tấn công rất nguy hiểm. Tốt nhất là đợi chúng rời tổ rồi mới tiến hành thu thập.



Các loài thú


Thịt thú rừng nói chung là khá ngon nhưng nếu không có một nhóm đủ lớn hay các loại trang thiết bị đầy đủ thì rất khó khăn để săn chúng. Những con thú lớn như trâu bò, linh dương, hươu nai… cung cấp một lượng thịt lớn , ngon lành già giàu năng lượng. Tuy nhiên chúng rất khỏe, nhanh nhẹn thậm chí có phần nguy hiểm. Nếu không thể săn được chúng thì bạn có thể tập trung để săn bắn những loài thú nhỏ hơn. Thiên nhiên thì rất trù phú và các loài thú rừng có số lượng lớn, đa dạng về chủng loại kích thước nên bạn sẽ có rất nhiều lựa chọn cho bữa tối của mình.


 Có nhiều món ăn ngon được làm từ thịt các loài thú

Điều quan trọng nhất ở đây là khi ở trong thiên nhiên hoang dã. Bạn phải xác định được mình đang đối mặt được với thứ gì. Nghệ thuật phán đoán đối tượng qua vết chân cũng là một cách hiệu quả để thực hiện điều đó. Nhưng việc này cũng không hoàn toàn dễ dàng như bạn xem trên tivi. Những vết chân mờ ảo khó phân biệt đòi hỏi phải kết hợp với những dấu vết khác ở môi trường xung quanh mới có thể đoán biết đối tượng vừa đi qua. Như vậy quan trọng nhất trong nghệ thuật phán đoán không phải là vết tích để lại mà chính là kinh nghiệm của bạn. Hãy tự trau dồi nó khi ở ngoài hoang dã. Không còn lời khuyên nào khác (Tôi sẽ đưa ra một bảng chi tiết hình dáng các loại dấu vết để lại từ các loài vật nguy hiểm như báo, gấu, sư tử, chó sói... cho đến các loài thú nhỏ dễ săn bắt ở phần sau)

Phán đoán, theo dõi và nắm bắt hành vi của chúng, làm xong những bước trên thì việc săn bắt các loài thú trở nên dễ dàng, thú vị và có phần phấn khích hơn bao giờ hết. Ví dụ như các loài động vật cỡ nhỏ như thỏ, chồn, sóc, chuột đồng, heo đồng cỏ là lựa chọn tốt nhất để đặt các loại bẫy đơn giản. Những chiếc bẫy này đơn giản chỉ kết hợp từ mấy viên đá, một vài cái lỗ nhỏ hay một chiếc thòng lọng nhưng khi đặt trước tổ hay những nơi chúng hay đi qua thì hiệu quả không ngờ. Hãy dành thời gian để nắm bắt thói quen, tập tính các loài thú trong khu vực bạn sống.


 Sau mùa sinh sản, loài thỏ thường sinh sôi với số lượng rất lớn

Những loài thú lớn hơn sống theo bầy đàn và di chuyển trên một khu vực rộng lớn như hươu, nai, linh dương thì khó khăn hơn trong việc đánh bắt. Nếu có thể tạo ra một cái bẫy đủ lớn thì không đặt ở nơi chúng hay xuất hiện mà nên đặt trên những con đường mòn mà chúng tạo ra khi di chuyển. Chúng thường hay đi đến những nơi có nước vào các buổi sáng sớm và chiều muộn theo đàn lớn, lúc này chúng dễ mất cảnh giác nhất. Khi chiều tối muộn chúng mắc vào bẫy thì cũng chậm chạp và mất phương hướng hơn so với ban ngày rất nhiều.



Nói chung việc săn bắn, đánh bắt tôi dành cho kì sau nên sẽ dừng lại ở đây. Tôi chỉ muốn nói thêm là ngoài thiên nhiên, chẳng có thứ gì chắc chắn và ổn định. Sẽ có lúc bạn dư dả thức ăn, sẽ có lúc mà bất kì con gì biết bò, biết bơi, biết bay đều trở nên quý giá đối với bạn. Tôi thì không đủ tư cách để khuyên các bạn điều này: “Hãy loại bỏ tất cả ác cảm tự nhiên của mình đối với một loại thực phẩm cụ thể” vì tôi cũng khá kén ăn. Nhưng đây không chỉ là lời khuyên có ích trong lúc ngoài tự nhiên mà còn rất có ích trong cuộc sống. Ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau là cách tốt nhất để cân bằng các loại dưỡng chất trong cơ thể bạn. Béo phì, máu nhiễm mỡ, tiểu đường, thừa cholesterol, huyết áp ... thực chất đều là những căn bệnh liên quan đến việc không thể cân bằng lượng dưỡng chất trong cơ thể.

Ngoài ra trong tự nhiên đã từng ghi nhận rất rất nhiều trường hợp con người đói quá đã phải ăn tất cả những thứ mà thường ngày không thể nào tưởng tượng ra nổi : sâu bọ, dơi, chuột, xác thối thậm chí là chính đồng loại của mình. Thịt chuột thì có mùi hôi khó chịu, thịt dơi thì nhão nhoét nhạt thếch nhưng chỉ vì nó không ngon miệng mà bỏ qua thì bạn đang liều lĩnh với chính tính mạng của bản thân mình. Bạn chỉ cảm thấy hơi hơi đói nên vẫn có thể chịu đựng được và bỏ qua chúng? Bạn đã không biết rằng khi suy kiệt thì mọi cảm giác của cơ thể sẽ đều không chính xác nữa. Và tất nhiên là 1 giấc ngủ ngắn sau đó, có khi bạn sẽ chẳng bao giờ tỉnh dậy nữa. Trên Discovery chanel có thể Grylls bear diễn hơi quá khi ăn sống mấy con vật rất khủng khiếp đó nhưng ít nhất thì anh ấy cũng đã làm đúng.

Một trong những kĩ năng sinh tồn quan trọng nhất chính là bảo vệ và duy trì sức khỏe của mình.



Theo GenK
Chia sẻ ngay với bạn bè bài viết này
Facebook Pinterest StumbleUpon Delicious Reddit Digg Email Delicious

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét